Monday, June 4, 2012

Dinh dưỡng cho người bị sỏi thận

Sỏi thận gây nhiễm trùng đường tiểu, đau ở vùng mạn sườn. Người mắc bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.


* Sỏi can–xi
Đây là loại sỏi thận phổ biến nhất, bao gồm sỏi oxalat can–xi và phosphat can–xi. Người bệnh có hàm lượng can–xi trong nước tiểu tăng. Đối với trường hợp này, chế độ dinh dưỡng được khuyến cáo như sau: lượng can–xi đưa vào cơ thể ở mức 500 mg mỗi ngày và lượng đạm là 1 gr/kg/ngày; cần uống nhiều nước; tránh dùng các món ăn có nhiều muối, không dùng quá 10 gr muối/ngày; hạn chế, hoặc tránh các thực phẩm làm tăng oxalat trong nước tiểu như: dâu Tây, rau dền, chocolate, củ cải đường, hạt dẻ, trà... Ngoài ra, không dùng vitamin C liều cao (quá 1.000 mg/ngày)
* Sỏi acid uric
Sỏi này hay xảy ra ở người uống nước ít, hoặc do dùng một số thuốc trị bệnh kéo dài, dùng nhiều thực phẩm giàu purine (như: gan, thận, tim, óc động vật, thịt, tôm, cá, nấm, bia...), khiến cho nước tiểu tăng tính acid uric, tạo điều kiện cho việc hình thành sỏi thận.
Dinh dưỡng đối với trường hợp này là uống nhiều nước (2 – 2,5 lít/ngày); nên dùng những loại thực phẩm có tính kiềm như: sữa và các sản phẩm từ sữa; dừa, hạt dẻ, quả hạnh nhân; tất cả các loại rau, nhưng trừ đậu bắp và đậu lăng; tất cả các loại trái cây, trừ mận khô, nho khô...
* Sỏi Cystin
Chế độ dinh dưỡng đối với người bị sỏi Cystin là phải uống hơn 4 lít nước/ngày, và dùng những thực phẩm có tính kiềm như trên.
* Sỏi Struvit
Còn gọi là sỏi san hô, thường mắc phải khi bị nhiễm trùng đường tiểu. Với loại sỏi này, bạn chỉ cần điều trị nhiễm trùng tiểu và uống nhiều nước.
Để phòng bệnh sỏi thận, mỗi ngày nên uống nhiều nước (1,5 – 2 lít); dùng dưới 6 gr muối/ngày; dùng nhiều rau quả, trái cây; tránh ăn quá nhiều đạm từ động vật, nhất là các nội tạng...
(Theo Thanhnien)

1 comment: